Nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND

Bài 1: Chủ động vào cuộc từ sớm

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:08 - Bản đầy đủ
Mặc dù đã được rút kinh nghiệm qua nhiều kỳ họp, nhưng hầu như kỳ họp nào ở một số địa phương vẫn diễn ra tình trạng gửi chậm một số tài liệu thẩm tra theo quy định, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng như ban hành nghị quyết của HĐND. Để không còn bị động trong thẩm tra, các Ban HĐND cần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, nhất là làm việc ngay từ đầu với các cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết như đổi mới trong hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội thời gian qua.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang thẩm tra một số dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khóa XIX
Ảnh: Thế Đại

Bất cập không mới

Hoạt động thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các Ban HĐND. Những thông tin chính thống; tư liệu, số liệu tin cậy, thể hiện rõ ý kiến về những vấn đề Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau trong báo cáo thẩm tra là cơ sở quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và quyết định, bảo đảm chất lượng các quyết sách của HĐND. Đặc biệt là với những kỳ họp trực truyến được rút ngắn thời gian hơn dự định để bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, hay việc ban hành những quyết sách áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn (thuộc trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh) như thời gian vừa qua. Qua đó, bảo đảm chất lượng các quyết sách của HĐND, kịp thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh của các địa phương.

Với vai trò và ý nghĩa quan trọng như vậy, bên cạnh những kết quả rất tích cực đạt được trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND trên thực tế cũng gặp phải những bất cập tuy không mới nhưng vẫn là câu chuyện vẫn phải nói mãi. Điển hình là việc gửi chậm một số tài liệu thẩm tra theo quy định còn phổ biến, mặc dù đã được rút kinh nghiệm qua nhiều kỳ họp, nhưng hầu như kỳ họp nào cũng vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng như chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị được UBND giao soạn thảo đề án, báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với các Ban HĐND ngay từ đầu xây dựng dự thảo.

Có ý kiến cho rằng, ngoài nghiêm túc rút kinh nghiệm như hiện nay, cần có chế tài xử lý trong đánh giá cán bộ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với thủ trưởng các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để chậm tiến độ thời gian theo quy định; chuẩn bị không kỹ về cơ sở pháp lý ban hành và nội dung dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh.

Phát huy vai trò chủ động của các Ban

Để có thể chủ động hơn và có thời gian cho công tác thẩm tra, theo ý kiến của một số địa phương, trước hết Thường trực HĐND cần có ý kiến với Ban Thường vụ để lãnh đạo các Ban HĐND được tham dự Hội nghị của Ban Thường vụ khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND. Báo cáo kết luận các hội nghị của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND cần được gửi tới các Ban HĐND. Qua đó, giúp các Ban kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra về những nội dung liên quan; tiếp cận được thông tin sớm, chủ động thời gian xây dựng kế hoạch và tiến hành thẩm tra. Trong các cuộc họp do UBND tổ chức thảo luận lấy ý kiến và thông qua các dự thảo báo cáo, đề án… lãnh đạo các Ban theo lĩnh vực liên quan cũng cần được tham dự trực tiếp để nắm bắt thông tin, tiếp cận sớm nội dung cần trình tại kỳ họp.

Cùng với đó, các Ban HĐND cần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, nhất là làm việc ngay từ đầu với các cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết như đổi mới trong hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội thời gian qua; thu thập tài liệu, hồ sơ và chuyển các tài liệu cần thiết cho thành viên các Ban nghiên cứu trước khi tiến hành hội nghị thẩm tra. Kết hợp với tăng cường giám sát, khảo sát thực tế tại cơ sở để nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân để khi thẩm tra những nội dung trình tại kỳ họp có những đánh giá chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng tình hình, những vấn đề trọng tâm cần được tập trung giải quyết…

Các Ban HĐND cũng nên có sự phân công từng thành viên nghiên cứu sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách và xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra trước để tại cuộc họp thẩm tra, các thành viên khác của Ban nêu bổ sung vấn đề cần trao đổi, làm rõ và chủ yếu dành thời gian cho cơ quan trình dự thảo giải trình, báo cáo làm rõ các nội dung theo yêu cầu của các thành viên dự họp.

PHƯƠNG NGUYÊN

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP